Cập nhật mới March 13th, 2018 8:06 AM
Apr 06, 2015 thegioiphatphap Vấn đáp Phật pháp 0
Có một quan Thượng Thư đến bái kiến thiền sư Cảnh Sầm và hỏi thiền sư rằng: “Thưa thiền sư, bổn tánh là gì?”. |
Thiền sư Cảnh Sầm cảm thấy không thể trả lời câu hỏi này với người đầu óc đầy mây mù ngã chấp che phủ như ông quan Thượng Thư đây. Bất chợt, Thiền sư nhớ lại những hình ảnh lúc chiều tà hôm qua có một người phụ nữ có thai đi ngang qua cổng chùa với chiếc áo vừa cũ vừa rách, vai mang một cái sọt tre rất nặng và đôi chân dính đầy chất dơ. Tay trái dắt một bé gái, tay phải lại bồng một bé trai, vội vã bước đi. Cuộc sống người phụ nữ ấy nghèo khổ, vất vả nhọc nhằn mưu sinh, tưởng chừng cô ta không kham nổi. Nhưng khi nhìn kỹ, thiền sư lại thấy nét mặt cô đang tươi cười rạng rỡ như vầng trăng sáng. Thì ra, tuy cuộc sống phải bôn ba cực nhọc, vất vả mưu sinh nhưng cô biết rõ đời sống của mình là tìm cầu cái gì, do đó cô chẳng những không cảm thấy lao khổ cực nhọc mà trái lại rất sung sướng hạnh phúc.
Nghĩ đến đây, thiền sư Cảnh Sầm đã hiểu rõ và ngộ ra cái gì là bổn tánh, liền lớn tiếng gọi: “Thượng Thư”.
Thượng Thư giật mình chấp tay xá rồi đáp “Dạ”. Thiền sư gật nhẹ đầu nói: “ Cái trả lời cho ta chỉ là một thể xác mà chẳng phải là mạng sống trong sáng của quan Thượng Thư”
Thượng Thư cúi đầu suy nghĩ rồi hỏi tiếp: “Chỉ có thể xác mới có miệng lưỡi, có miệng lưỡi mới có thể trả lời cho ngài, còn mạng sống trong sáng là cái gì và có miệng lưỡi thế nào?”
Thiền Sư gật đầu nói: “ Ông trả lời đúng sai đều không quan trọng, chẳng hề hấn gì. Quan trọng là cần phải tự mình giác ngộ và cần làm sáng tỏ mục tiêu của đời sống chính mình, về cách thức của cuộc sống, chỉ uổng công, khiến mình thành nô lệ cho mạng sống của mình”.
Con người ta nếu biết ý nghĩa mạng sống của chính mình, cho dù rất nhiều khổ nạn cũng có thể chấp nhận. Người không biết bổn tánh của chính mình, chẳng qua là các xác không hồn mà thôi.
Thân xác của con người hay của tất cả các loài đều do bốn thứ hòa hợp lại mà thành, gọi là tứ đại: đất, nước, lửa, gió – địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại. Đại là lớn, Địa đại chỉ cho trái đất; thủy đại chỉ cho sông, hồ, đầm, ao, biển nước; hỏa đại chỉ cho lửa nóng; phong đại chỉ cho gió, giông to bão lớn. Bốn nguyên lý lớn này kết hợp thành trái đất và chúng sanh sống trên đời
Kinh Tịnh Danh nói: “Bốn đại không có cái nào là chủ, thân này cũng không phải là ta”. Thân xác của con người đã do bốn đại duyên khởi hợp thành như đất – xương thịt; nước – máu mủ, các chất dịch; hơi ấm thân nhiệt – lửa; gió – hơi thở và các khí. Thân tứ đại của chúng sanh khi chết trả về cho tứ đại, có gì là của ta? Có gì riêng biệt để chấp là ta? Hay của ta?
Do không biết hay chưa hiểu biết đúng mà phát sanh ý tưởng tham dục, ham muốn chiếm đoạt, ý tưởng mong cầu những cái ưa thích. Vì vậy thân kiến là quan điểm kiến chấp về thân: “Thân này là ta, là của ta, là bản ngã của ta”, được xếp vào một trong 5 loại ác kiến.
Có 6 loại căn bản phiền não là: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến.
Ác kiến có 5: Thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ.
Cái sai lầm lớn nhất của chúng sanh là thân kiến (ảo tưởng có một tự ngã) cùng tồn tại với những điều mê tín, thường biểu hiện dưới hình thức các lễ nghi, tục lệ – những pháp hành nặng tính thần quyền, tin vào bùa chú, đồng cốt, bói toán,v.v… Thân kiến và mê tín thường được đi kèm bởi sợ hãi và hoài nghi.
Đức Phật đã gọi những điên đảo kiến này là gốc của thân kiến, của hoài nghi và giới cấm thủ. Và bị trói buộc bởi những điên đảo kiến này, một kẻ vô văn phàm phù không thoát khỏi sanh già bịnh chết, sầu bi khổ ưu não. Đức Phật nhấn mạnh “Thực sự người ấy không thoát khỏi khổ, Như Lai tuyên bố như vậy”.
Tùy mức độ chấp thân tứ đại nặng hay nhẹ mà mức độ tham dục: dục ăn, dục uống, dục ngủ, nghỉ, se sua, chưng diện và hơn thua, tranh giành, bỏn sẻn vật chất, tiền bạc, v.v… ở mỗi người đều khác. Nếu mức độ tham dục nặng nề mà lại sống trong cùng một mái nhà hay tu chung một đạo tràng thì nhất định phải có tranh cãi… Chỉ có đừng chấp thân tứ đại là ta, thì con người mới có thể chung sống an lạc.
Kinh Di Giáo: “Thân là gốc khổ, là chỗ y chỉ cho các khổ.Chúng sanh chấp là thật, không cầu pháp xuất ly”. Con người ( chúng sanh) đau khổ, trôi lăn trong sinh tử luân hồi là vì chấp có cái ta. Cái ta (cái tôi) trong đạo Phật gọi là ngã, triết học gọi là bản ngã; còn cái của ta gọi là ngã sở, tức là sở hữu của ta. Cái ta nào cũng lo cho tự ngã của nó, nên mới sinh ra ích kỷ, giành giựt, đấu tranh, tham dục, hơn thua. Khi cái ta được thắng lợi thì nó vui, khi cái ta bị thua thiệt, mất mát thì nó buồn, giận, thù ghét.
Vì chấp thân là ta, ta là thân xác nên phải làm ăn sinh sống, tranh giành bon chen với đời để nuôi cho thân sống còn, đây gọi là “sanh khổ”. Vì ta là thân và ta có thân nên phải chịu già yếu, thân thể hao mòn, bịnh tật, ăn uống khó khăn, đi đứng không vững, tự lo thân mình không xong, đó là lão khổ. Rồi bệnh khổ và chết bỏ thân đó gọi là “tử khổ”.
Bản chất của thân là vô thường, biến đổi từng giây phút để đi tới tàn hoại. Ấy vậy mà suốt cuộc đời, ta làm đủ mọi thứ, đủ mọi cách để ráng nuôi cho cái thân sống thêm được năm nào hay năm đó, dù phải sống khổ, sống già, sống bệnh cũng còn hơn là chết. Lo rằng chết là mất tất cả những gì ta có, chết rồi sẽ đi về đâu – về thiên đường hay xuống địa ngục… làm tinh thần khủng hoảng, và khi mất thân ta đau khổ vô cùng. Đây là cái khổ của mất thân và do chấp thân là ta.
Nếu ta không chấp thân là ta, thì khi ta mất, thân ta thấy đó là bỏ cái áo cũ rách để có cái áo mới, tức là thân xác mới. Như một Thiền Sư nói: “Sanh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ”.
Tóm lại, thân tứ đại này họp gọi là sinh, xung khắc nhau thì gọi là bệnh, sắp sửa tan rã thì gọi là già, tan rã thì gọi là chết. Việc tứ đại trải qua “thành, trụ, hoại, không” có ăn nhằm gì đến ta? Bởi vì chấp ta là thân, thân là ta, cho nên cái gì xảy ra cho thân tức là xảy cho ta. Cứ thế khổ sở muôn đời. Trong sự chấp ngã, bám víu vào cái ta và của ta thì sự bám víu vào cái thân là nặng nhất, thâm sâu nhất. Trong Bộ Thành Thật Luận nói: “Ngã tâm sanh chính là vô minh”. Cái ta ban đầu chỉ là một vọng niệm của tâm. Nhưng khi thành hình rồi thì nó cần một nền tảng vật chất để dựa vào đó mà hiện hữu, nền tảng này chính là cái thân. Bỏ được chấp thân là nhận được thánh đạo giải thoát.
Vạn pháp do nhân duyên hòa hợp mà có. Tâm thức cũng vậy. Thế nhưng con người thường hay suy nghĩ, khái niệm, đánh giá… và cho những suy nghĩ phân biệt ấy là mình. Ví như quan Thượng Thư, vì chạy theo âm thanh sắc tướng bên ngoài, chấp hai tiếng “Thượng Thư” là mình nên khi bất thần nghe Thiền Sư Cảnh Sầm gọi “Thượng Thư”, đã giật mình ứng thinh đáp “dạ”.
Có một người làm thị giả cho Quốc sư Huệ Trung ở Nam Dương 30 năm. Quốc sư thấy ông suốt thời gian dài không ngại vất vả, một lòng trung thành nên muốn báo đáp lại công lao của ông bằng cách giúp cho ông sớm được khai ngộ. Một hôm như thường ngày, Quốc sư Huệ Trung gọi “thị giả”, Thị giả liền đáp “Quốc sư cần con làm việc gì?”. Quốc sư nói: “không có việc gì cần đến ông”. Một lát sau, Quốc sư lại gọi “Thị giả” Thị giả lại đáp như lần trước. Cứ thế đối đáp qua lại mấy lần. Sau cùng, Quốc sư gọi lớn “Phật Tổ, Phật Tổ”. Thị giả nghe không hiểu gì nên hỏi Quốc sư: “Ngài gọi ai đấy?”. Quốc sư thấy thế nên đã ân cấn gợi ý “ Ta gọi ông đó”. Thị giả vẫn không hiểu, và nói: “Quốc sư, con không phải là Phật Tổ mà là thị giả của ngài. Ngài đã lầm rồi chăng?”. Quốc sư nghĩ không thể chỉ dạy được, bèn nói: “ Không phải ta không muốn giúp đỡ ông, thật ra ông đã quá phụ ta rồi”. Thị giả đáp: “Thưa Quốc sư, dù bất cứ lúc nào, con không bao giờ phụ ngài, vẫn luôn luôn là thị giả trung thành của ngài”. Ánh mắt của Quốc sư trầm xuống, ngài nghĩ: Tại sao lại có người chỉ biết đáp lại và bị động, tiến thoái đều chạy theo người khác mà không nghĩ đến sự tồn tại của mình, chẳng lẽ ông ta không thể cảm giác được tâm hồn và tiếp xúc được mạng sống chân chính của chính mình ư? Và ngài nói tiếp: “Con nói là con không cô phụ, thật sự con đã có phụ ta rồi. Ta đã dày công dụng tâm độ con, nhưng con hoàn toàn không hiểu. Con chỉ thừa nhận mình là thị giả mà không thừa nhận mình là Phật Tổ. Phật tổ và chúng sanh thật ra không có khác biệt. Sở dĩ chúng sanh là chúng sanh chính vì chúng sanh không xem mình là Phật Tổ thật là đáng tiếc vậy”.
Giải nghĩa:
Bò tát Sĩ Đạt Ta ngồi dưới cội Bồ đề suốt 49 ngày đêm, đến đêm thứ 49, Bồ tát đã tuyên bố chiến thắng vô minh, ái dục là căn nguyên cội nguồn của luân hồi. Kiếp này là kiếp chót và Bồ tát đã thành Phật. Như vậy thành Phật là thế nào? Chẳng qua là Bồ tát trở về và sống được với chân tâm vô niệm. Đó là con người chưa từng sanh, chưa từng diệt, là con người bất tử. Con người bất tử đó được đức Thế Tôn chỉ rất rõ ràng : “ Thế Tôn ở trên hội Linh Sơn, tay cầm cành hoa đưa lên, cả chúng hội đều ngơ ngác, chỉ riêng ngài Ca Diếp mỉm cười”. Ở đây cành hoa và cánh hoa không quan trọng. Quan trọng là động dụng đưa lên và cái thấy sự động dụng đó. Nếu tất cả mọi sự nói năng, đi đứng, thấy nghe, cúi ngước.v.v… mà trong lòng rỗng rang, không có suy nghĩ, thì đó là bổn tánh chân thật, là Phật tánh, Phật tâm của chính mình. Ví như người thị giả kia, khi nghe tiếng gọi “ Thị Giả”, “ Phật Tổ” mà nhận ra chơn tánh thường hằng, thường biết qua cái nghe, cái thấy biết của mình thì đã cảm nhận được tâm ân cần, thiết tha của Quốc Sư.
Nhiều người đến đạo Phật để tìm cách giải trừ phiền não, khổ đau. Họ tụng kinh, ăn chay niệm Phật, làm công quả, cúng dường, bố thí… Nhưng đa số không biết diệt trừ bản ngã thì phiền não và khổ đau vẫn còn hiện hữu. Trải qua bao nhiêu năm trong đạo vẫn chấp vào cái ta, kiêu căng ngạo mạn, khoe khoang, chạy theo danh lợi, tiền tài… đến khi cái ngã bị trái ý tổn thương thì giận dữ, sân si mắng chửi, mạ nhục kẻ khác tạo khẩu nghiệp nặng nề. Dù tu theo bất cứ pháp môn nào mà còn chấp ngã và không biết dẹp trừ bản ngã, lúc nào cũng so đo, lo cho cái ta của mình hơn kẻ khác thì phiền não không giảm mà nhiều khi còn tạo thêm nghiệp xấu.
Vậy ta là cái gì? Có người cho ta (tôi, mình) là tên Nguyễn văn A, B, C… Nhưng đó chỉ là tên họ, danh tánh do cha mẹ đặt ra, để phân biệt đứa con này, đứa con kia của mình. Có người chấp cho ta bác sĩ, kỹ sư là danh vị, chức phận. Đó chỉ là những bằng cấp thế gian, là những chức vụ chính trị hay là những địa vị công việc trong xã hội. Lại nữa, có người cho ta là thông minh trí thức, đẹp xấu, cho ta là người dễ vui, dễ buồn, giận, rộng rãi, keo kiết,… Đó là những đức tính, hay năng khiếu, hoặc là những tình cảm hay tánh tình của một con người.
Cho nên khi được hỏi ta là ai hoặc ta là gì, đa số người đời đều đồng hóa cái ta vào danh tánh bằng cấp, chức vụ, đức tính, tình cảm, v.v… Nhưng những thứ đó không phải là ta mà chỉ là những cái vỏ khoác bên ngoài mà thôi. Vậy ta là gì? Ta là ai?
Ta là gì? Đến đây sẽ có người trả lời: “Ta là một con người”. Câu trả lời này ngắn gọn và rất gần với chân lý. Bởi khi cho ta là cái này, hay cái nọ thì ta phải là một con người trước đã. Có con người rồi, sau đó mới có tên tuổi, buồn vui, thông minh, danh vị , chức vụ, v.v…Ta là một con người, gồm có 2 phần thân và tâm. Thân là phần vật chất có hình tướng. Tâm là phần vô hình có khả năng hiểu biết, suy nghĩ, nhớ tưởng, tính toán lo âu, thương ghét… và điều khiển thân thể đi đứng nói năng, hành động .v.v… Sự liên hệ giữa thân và tâm thức cũng như cái máy và nguồn điện. Một cái máy mà không có điện thì máy đó vô dụng. Điện là một năng lực vô hình nhưng cần thiết để làm cho máy chạy. Thân thể con người cũng vậy, nếu không có tâm hồn bên trong thì nó sẽ trở thành một cái xác chết. Tâm cũng giống như điện tuy vô hình nhưng rất cần thiết cho sự sống.
Tóm lại, cái ta là sự hình thành do thân và tâm kết hợp lại, vô thường sanh diệt, chỉ có chân tính là thường hằng bất diệt. Đó mới là cái ta chân thật của mỗi người, đó là Phật tâm tánh, là cái biết của chúng sanh vậy./.
TT. GIÁC TÂY
Aug 03, 2015 0
Apr 06, 2015 0
Jul 11, 2017 0
Sep 16, 2016 0
Jul 14, 2016 0
Feb 21, 2016 0
Mar 13, 2018 0
I- Tổng quan về khu du lịch Trúc Lâm Viên ở Đà Lạt: Được khởi công xây dựng từ năm 2006, Trúc Lâm Viên đã chuyển mình từ một vùng đồi hoang sơ...Apr 20, 2016 0
Ở VN ta các chùa thường hay thờ Phật, thờ...Mar 25, 2016 0
Thế giới bây giờ đang trải qua thời kỳ đa...Mar 21, 2015 0
Kính thưa cùng với Thầy! Vào thư con xin Thầy...Jan 13, 2015 0
Bạn có thể nhìn thấy lá cờ Phật giáo 5 màu...Jan 13, 2015 0
Kính thưa chư vị đồng học, Hôm qua chúng tôi...