Cập nhật mới March 13th, 2018 8:06 AM
Mar 19, 2015 thegioiphatphap Tin tức 0
Biết bao người giữa thế gian do không biết tự kiểm soát tư tưởng của mình nên đã tự mình sống trong hối hận, ăn năn, ưu tư, sầu muộn… Vì muốn giúp cho mọi chúng sanh có được cuộc sống tốt đẹp nên Phật dạy cần phải kiểm soát tư tưởng. Nói như vậy, Phật cho chúng ta biết cuộc sống khổ ải, đọa đày là do chúng sinh rơi vào đường tà ác, không biết kiểm soát tư tưởng, canh phòng tâm của chính mình. Kiểm soát tư tưởng và canh phòng tâm là một trong những vấn đề cốt lõi. Trong bài kinh Pháp Cú kệ 1&2 Phật nhấn mạnh:
Việc làm của bản thân ta
Do tâm, do ý tạo ra, dẫn đầu
Nói năng, hành động trước sau
Ý mà ô nhiễm: khổ đau theo kề
Tựa như là cái bánh xe
Theo chân con vật kéo lê trên đường.
Pháp Cú 1
Việc làm của bản thân ta
Do tâm, do ý tạo ra, dẫn đầu
Nói năng, hành động trước sau
Ý mà thanh tịnh: dạt dào niềm vui
Và bao hạnh phúc trên đời
Theo ta như bóng khắp nơi theo hình.
Pháp Cú 2
Khổ đau hay bao hạnh phúc trên đời là do Tâm ý ô nhiễm và thanh tịnh của chúng ta tạo ra. Tâm ý đóng vai chủ chốt trong mỗi lời nói và hành động. Do vậy, cổ đức luôn cảnh báo “trước khi ta nói điều gì cần phải uốn lưỡi bảy lần”. Như vậy thì nghĩa uốn lưỡi bảy lần nghĩa là gì? Đó là chỉ cho sự suy nghĩ kĩ, trước khi nói, có nghĩa rằng cần phải kiểm soát được lời nói của mình thông qua sự kiểm soát tư tưởng và tâm thức của mình, rồi sao đó mới nói. Như vậy, lời nói hay việc làm là do tâm của ta điều khiển. Không có một việc nào mà không do tâm điều khiển. Nếu như một ai đó làm những việc sai trái tất cả cũng điều do tâm của người đó điều kiển. Nhưng chúng ta tự hỏi rằng tại sao người đó lại có thể nói những lời không nên nói như vậy. đây chính là một trong những tâm lệch lạc và sai lầm đã khiến cho con người càng lúc càng đi sai. do vậy, một trong những yếu tố là chúng ta cần phải kiểm soát được tâm ý của mình. Như đồng tiền có hai mặt, tâm cũng có hai mặt: mặt thường xuyên thấy đó được gọi là vọng tâm; mặt thứ hai khó có thể nhìn thấy được gọi là chơn tâm.
Sống chơn tâm là đưa tới hạnh phúc, còn vọng tâm đưa tới đau khổ triền miên bởi vì vọng tâm khiến sinh khởi những sự sai lầm, sinh khởi những sự mê hoặc đưa tới sự hiểu biết không đúng đắn, Thế Tôn lo lắng khi tất cả các chúng sinh rơi vào nẻo ác đường tà cho nên Ngài đã nhắc đi nhắc lại rất là nhiều lần hãy Canh Phòng Tâm hãy Kiểm Soát Tâm, nhờ vậy ta sẽ được an vui, sáng suốt, siêng năng, nhiệt tình và ta còn thấy rõ đâu bến giác cần phải quay về.
Còn Vọng tâm sẽ dẫn chúng ta vào con đường của các đọa xứ gồm có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Vọng tâm khiến cuộc đời chúng ta đầy dẫy sầu khổ ưu bi tức tối giận hờn trong biển khổ và không có ngày nào tìm thấy niềm vui an lạc và hạnh phúc. Chúng ta cần kiểm soát Tâm, nếu kiểm soát Tâm không trọn vẹn đến nơi đến chốn, lúc bấy giờ ta sẽ dễ dàng rơi vào trong đọa sứ nếu không rơi vào trong đọa xứ thì ta cũng trôi nổi trong đường sanh tử luân hồi của nhà lửa tam giới Dục giới, Sắc giới, và Vô Sắc giới. Ngày nào còn vọng Tâm sai sử, ngày đó ta còn phải sầu muộn. Do vậy ta cần kiểm soát Tâm của mình. Theo thói thường, những ai chửi mắng mình, ta sẽ khởi tâm vô cùng tức giận, nhưng cũng có lúc bằng sự hiểu biết ta không còn vọng tâm sai lầm như một hôm ta đi thăm những người điên trong bệnh viện Chợ Quán, trong lúc đang phát quà, mọi người đang hoan hỷ, có một người khuôn mặt rất là sáng sủa hướng về phía mình chửi quá xá, họ chửi mình là đạo đức giả người không có thật tâm, không vì tình thương mà là kẻ háo thắng, kẻ ban phước … khi nghe họ chửi như vậy lúc bấy giờ ta có giận người đó hay không? Chắc một điều rằng ta sẽ không giận, mà còn tỏ thái độ thương tưởng. Vì họ là người điên ta không nên chấp nhất. Con đường tu tập của ta cũng nên khởi tâm như thế. Nghĩa là không nên sân hận bất cứ ai tỏ thái độ không tốt hoặc hãm hại mình, mà còn thương tưởng họ không biết nghiệp báo gì đang chờ họ ở tương lai. Như vậy là ta đang hướng đến một tiến trình rất cao của sự tu tập. Tuy nhiên thật không dễ để kiềm chế bản thân vì người chửa mắng ta không phải là người điên. Chúng ta phân biệt rằng người điên đảo chửi thì ta tha, mà người không điên đảo mà chửi là không tha. Nhưng thật ra chúng ta có phân biệt người nào điên đảo và không điên đảo không? Chỉ khi nào chúng ta không điên đảo ta mới phân biệt được điều đó. Khi ta không thể phân biệt, người làm tổn thương ta nhất định sẽ không được tha. Nổi giận sẽ tăng trưởng, nếu làm như vậy cuối cùng ta là người mệt chớ không phải người ta mệt. Nếu nổi giận mà người ta bị giảm 2 hoặc 3 kí lô, thì ta cũng ráng mà nổi giận, nhưng mà đằng này người ta vẫn khoẻ mạnh như thường. Như vậy, tự làm hại chính ta. Sống với vọng tâm nên ta quá sai lầm, tự chuốt lấy họa, tự khổ não với đảo điên.
Nếu ta nhận rõ mình có một chơn tâm sáng suốt, lúc bấy giờ ta sẽ tỉnh tâm trở lại, không sống tự hại bản thân, tìm cho mình một con đường an lạc nhất, hạnh phúc nhất, không còn quanh quẩn trong vòng luân hồi, lên xuống trong 6 nẻo sanh tử triền miên, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, A Tu La, Người, lên Trời. Nếu tu tập tốt, phước báu tăng trưởng ta lên được các tầng trời Sắc giới hay Vô Sắc giới. Tuy nhiên, ở các tầng trời này vẫn chưa thoát khỏi sanh tử luân hồi, vì nơi đó vẫn còn những vọng tâm vi tế của vô minh, tà kiến, ác kiến… Với những sai lầm của vọng tâm sẽ đưa ta quay trở lại con đường Địa ngục. Chỉ một giây sai lầm khi tâm tham lam, sân hận, si mê sinh khởi khiến ta mất bình tĩnh không kiểm soát được tâm, thì bao nhiêu công phu tu tập coi như uổng phí như “đóm lửa nhỏ đốt cả rừng công đức”. Do đó, kiểm soát tâm hay kiểm soát tư tưởng là một trong những yếu tố không thể thiếu được trong mỗi con người, vì người kiểm soát tâm, điều phục được tâm thì sẽ đầy ắp niềm vui an lạc.
Nhiều người muốn có được niềm vui và hạnh phúc chân thật đã đi theo Đức Thế Tôn cố gắng chuyển hóa tâm thức. Như câu chuyện của một vị Sa di ở nước Ấn Độ tên là Sa nu. Sa di này rất là ham tu còn rất bé và giọng tụng kinh không thể nào chê được đến nỗi tất cả các thầy Tỳ kheo khi đi tụng kinh là lúc nào cũng gọi chú Sa di này đi và sau khi làm lễ chính thức xong, yêu cầu chú đọc tụng. Tiếng tụng của chú lảnh lót ai nghe cũng sinh khởi những cung bậc cảm xúc, từ các vị thầy Tỳ kheo cho đến tất cả những Phật tử điều rất là thích thú, cung bậc cảm xúc không chỉ ở loài người mà ngay cả loài dạ xoa cũng tới nghe. Mỗi lần tụng kinh xong chú Sa di đều xin hướng công đức này về cho cha mẹ (ý của chú là cho cha mẹ của chú hiện tiền). Lúc bấy giờ một người mẹ khác của chú trong quá khứ đang bị đọa vào loài dạ xoa cũng thích đến nghe. Tất cả trong chúng dạ xoa đi nghe biết chú xuất gia là con của bà trong quá khứ, nên đều cả nể bà, mời bà đến chỗ ngồi xứng đáng. Không phải chỉ có hội chúng dạ xoa, mà còn có hội chúng chư thiên cùng tới nghe, bởi vì tiếng chú Sa di tụng có sức chuyển hóa tâm có tham thành vô tham, tâm có sân thành vô sân, tâm có si thành vô si. Chú tụng kinh với tâm an lạc, tâm tịnh lạc, tâm tươi vui, tâm siêng năng, tâm nhiệt tình, tiếng của chú đã vang động đến các cõi. Chú được mọi người ca ngợi, tiếng hay, tu hành giỏi… khiến chú đắm nhiễm vào danh lợi một hôm không muốn tu nữa. Chú lẳng lặng xin sư phụ về nhà. Mẹ mới hỏi chú tại sao những lần trước con về lúc nào cũng có một chú tiểu đi theo con, tức là phải đi hai người thế mà sao giờ con đi có một mình, chú cứ êm lặng và chú không nói gì cả và chỉ nói với mẹ rằng con về thăm. Sáng hôm đó, bà mẹ quá khứ của chú tức là quỷ dạ xoa không nghe được thời kinh cho nên đã đi tìm chú và cuối cùng đã phát hiện rằng chú đang mang một tư tưởng muốn về nhà không muốn tu nữa. Chú đang ở tuổi biết lớn bắt đầu suy nghĩ đến dục vọng, sinh khởi tham muốn tận hưởng niềm vui lạc thú giữa trần gian.
Bà mẹ dạ xoa đó biết chuyện như vậy và tới nhập vào trong thân xác bà mẹ ruột tại thế gian, bà khóc than, bà la làng, bà nói rằng thuở xa xưa Đức Phật đã từng dạy tôi nghe, chư A La Hán mỗi nữa tháng giữ giới bát quan chay và giới bốn, các ngày trai mùng tám, mười bốn, rằm, hai ba, ba mươi (hoặc hai chin) giữ phạm hạnh như thế dạ xoa không thể xâm hại; nhưng hôm nay mọi người cứ nghĩ rằng quỷ dạ xoa đang đi vào tâm trí của một vị Sa di và làm cho tâm trí của vị sa di này đã bị lạc lối, nhưng thật ra vị dạ xoa này đang bảo vệ cho con của mình chứ không phải tới phá hại. Có những trường hợp quỷ dạ xoa đi vào trong tâm thức của người tu hành và gợi lên những ham muốn dục tình giữa cuộc đời gợi lên những thất tình lục dục nhưng đó là trường hợp khác, còn trường hợp ở đây bà thấy con của mình đang đi lạc cho nên bà cũng đang muốn cho con của mình quay trở lại. Dạ xoa nào đang làm cho con của bà phải bị điên đảo đảo điên như vậy, lúc bấy giờ bà mẹ dạ xoa mới nói với con thông qua cái miệng của mẹ ruột của chú rằng chư A La Hán nói ai cứ mỗi nữa tháng giữ giới bát quan chay và giới bố tát mùng 8, 14, 15, giữ phạm hạnh như thế dạ xoa không sâm hại. Tuy nhiên, bà mẹ da xoa ủng hộ bà mẹ ruột rằng bà đã nói đúng, có nghĩa rằng vấn đề ở đây không phải do dạ xoa nào đã rơi vào trong tâm trí của chú Sa di, mà chính bản thân của chú đã bị một dục tình chi phối, nên chú cảm thấy con đường tu tập không có hạnh phúc, không có lợi ích. Chú không thấy rõ nhờ lời kinh tụng của chú giúp cho nhiều người an lạc từ hàng trời người đến hàng phi nhân da xoa đến nghe pháp vô cùng hoan hỷ. Bà mẹ dạ xoa chưa từng biết tu trong quá khứ nên bị đọa, nhưng nhờ lần này con của bà tu, bà mới có cơ hội nhận thấy lời dạy của Phật hay quá, nhưng bây giờ bà phải rơi vào trong cảnh dở khóc dở cười rằng chú Sa Di con bà đang muốn từ bỏ con đường tu tập.
Bà mẹ dạ xoa khuyên Sa nu con của mình “đừng xa Phật làm ác” khi ta rời bỏ con đường tu tập có nghĩa rằng ta đang xa Phật, vì con đường xa Phật đó không có gì được gọi là hạnh phúc và an vui. Con đường xa Phật con đường làm ác. Khi vào đời ta phải giành giựt với sự sống, vì cuồng dại đắm mê, không có bất cứ điều ác nào mà ta lại không làm. Chỉ có con đường gần Phật là chúng ta mới thấy an ổn, ngày nào còn ở chùa là ngày đó ta còn giữ tâm thanh tịnh. Mẹ dạ xoa nói “đừng xa Phật làm ác” dù là lén lút hay là công khai. Nếu làm ác đời này hoặc đời sau hoặc cho đến khi nào mà người tu không còn tụng kinh, niệm Phật nữa, thì người đó khó thoát khỏi khổ đau. Ta không còn biết tự chủ kiểm soát được tâm này, lúc đó giữa cuộc đời này ít nhiều gì ta sẽ vướng vào uế nhiễm như đứng gần đống rác con người sẽ bị uế nhiễm mùi hôi mùi thối từ nơi đống rác huống chi người đó còn nhảy vào đống rác. Khi nào ta còn xa rời con đường tu tập nghĩa là ta đang ở trong đường ác dù ta chưa làm điều ác. Hôm nay ta chưa bị nhiễm mùi cấu uế, nhưng dần dần sẽ nhiễm nhiều hơn và dẩn dần ta không còn kiểm soát được tâm trí của mình. Một người không tu cho dù có cánh để bay lên trời tìm đường lẩn tránh cũng không thoát khỏi khổ, dù cho ta có vào rừng sâu ta tìm nơi an ổn cũng không thoát khỏi khổ, vì không ai có thể trốn được một áp lực đang đè nặng lên mọi sinh vật hiện hữu đó là già, bệnh, chết. Không chỉ có con người, mà tất cả mọi vạn vật đều phải tuân theo quy luật vận hành của biến dịch, hoại diệt. Như vậy ta đi đâu để tìm thấy con đường an lạc. Bà mẹ quá khứ dạ xoa đã dạy con mình như thế, nhưng thật tế đối với vị sa di đó không hề biết đó là mẹ ruột của mình, bời vì khi chúng ta qua một đời khác làm sao biết có những người cha, người mẹ nhiều đời của ta còn đang ở đâu đó trong 6 nẻo luân hồi. Dạ xoa mẹ của Sa di sống cõi trời Tứ thiên vương sau khi nói liền xuất ra xác mẹ ruột chú Sa di.
Lúc bấy giờ chú thấy mẹ ruột của mình đầu rối tóc xỏa, quỳ ở dưới đất khóc than và thổn thức vì sao con của mình lại có những suy nghỉ muốn bỏ một con đường trở thành Phật Thánh để quay trở về với một con đường của phàm phu tục tử, tham muốn sống một cuộc đời trụy lạc. Ngay lúc đó, chú mới nói với mẹ rằng, người ta khóc vì kẻ chết, hoặc người khi không trở lại, con ngồi ở nơi đây tại sao mẹ lại khóc tỉ tê? Đây là trường hợp kì lạ, bà mẹ có trí muốn chỉ cho chú thấy rõ hậu quả xấu của việc xuất gia rồi nhưng muốn hoàn tục, đắm chìm vào trong những thú vui dục nhục, bỏ đi mọi lợi lạc do sự tu hành. Cho nên, bà nói với con mình rằng, người ta khóc vì có người chết, có người đi xa đi mãi chẳng trở về, họ cũng khóc khi người tu ra đời những người tu như thế ấy sống mà như chết khác gì nhau, vì người này đang đi vào trong đọa xứ khó có ngày quay trở lui. Tinh thần của bà mẹ đã khóc vì con như thế thật khó tìm kiếm giữa thế gian. Không phải ai cũng nói được câu nói đó, có nhiều trường hợp bà mẹ thấy con mình trốn đi xuất gia đã ngược xuôi bắt con mình trở lại con đường khổ não.
Cũng có những trường hợp ta thấy có nhiều người tu đã phải trở lui về đời thế tục với lý do là nghiệp lực mạnh hơn hẳn nguyện lực. Điều đó có nghĩa rằng cám dỗ của nghiệp lực quá lớn át cả nguyện lực lòng mong muốn tu tập hoàn thiện bản thân. Cho nên tu tập là con đường khó, mỗi người phải tự chiến thắng chính bản thân mình. Trong tâm trên đường tu tập luôn tồn tại hai lực đối kháng, hai lực này chi phối có lúc ta thấy ta là Phật, có lúc ta thấy ta là Ma. Phật sẽ hiện hữu khi tâm thức của ta sáng suốt, thấy rõ con đường tu là hạnh và an vui nghĩa là nguyện lực trong ta mạnh mẽ; còn ngược lại lúc nào ta thấy sống không an vui, con đường tu của ta chưa được kết quả hạnh phúc, mà là sầu khổ, ưu bi… nghĩa rằng nghiệp lực ta đang tăng trưởng. Do vậy, để cứu chú Sa di đang rơi vào nghiệp lực hay ma lực, mẹ da xoa và mẹ ruột chú chỉ mong con mình nhận ra được tu là được hạnh phúc còn con đường quay trờ lại với trần gian chẳng khác gì như đã chết. Nhằm giúp chú nhận ra đời sống thế tục không có gì vui, bà ví cuộc sống đó như lò than, như hỏa ngục. Bà nhấn mạnh nguy hiểm đời sống tại gia như than hừng nóng cả hai bên, bên đây cũng than hừng bên kia cũng than hừng, như vậy con chọn phía bên nào? Bốn phía đông, tây, nam, bắc tất cả đều là địa ngục, như vậy con muốn chọn phía nào, đường trần gian là như vậy đó. Chọn bên nào hoặc phía nào cũng là con đường chết, như vậy chỗ nào mới không chết? Chỉ có con đường tu tập mà Thế Tôn chỉ dẫn chính là con đường không chết. Con đã được mẹ cứu như lấy củi ra khỏi đóng lửa đang cháy hừng trong tâm trí của con, đó chính là ngọn lửa của tham, sẩn, si. Lời bà văng vẳng, con hãy đi theo Phật đừng trở lại căn nhà của thế gian, hãy mau ra khỏi và hãy che chở cho chúng ta. Sau khi nói như vậy bà mới tự nhủ ta đúng là không còn cách nào để đánh thức sự chán ghét sự ghê tỏm trong tâm thức của chú và lúc bấy giờ để chú hiểu rõ thêm, bà tiếp tục dạy hãy tinh tấn lên con đừng nên chùng bước bởi vì có những lúc trên đường dài tu tập ta dễ bị giây phúc mỏi gối chồn chân. Có nhiều lúc ta tự hỏi tu để làm gì ? Tu có an lạc gì không?
Bà lại tiếp tục hun đúc cho con mình một ngọn lửa của lòng nhiệt tâm cầu cho con đi mãi trên con đường ra khỏi biển ái sông mê. Bà thản thốt lo âu vì sao khuyên con rồi mà con bà vẫn muốn bị thiêu cháy. Nghe mẹ nói như vậy chú sa di đã bắt đầu khóc, trách tự bản thân, tri giác đã thức tỉnh và chú đã tự hứa con sẽ không hoàn tục. Câu nói của chú đã làm cho mẹ rất là vui. Lúc bấy giờ bà nói với con rằng tốt lắm con yêu quý, mẹ rất là hoan hỷ và bà bắt đầu dọn những món ăn ngon, ăn xong bà đã hỏi chuyện và biết rằng con mình đã chính thức trở thành một vị tỳ kheo, bà đã tiếp tục khuyến khích con mình. Thật ra câu chuyện hoàn tục rời khỏi tăng đoàn chú chưa nói, mà chỉ có ý định. Sau đó bà đã sắm sửa cho chú đầy đủ ba y bình bát và khuyên con mình trở về tăng đoàn.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn biết hết câu chuyện đã hiện ra trước mặt chú và khuyên chú nên kiểm soát tư tưởng. Nguyên nhân trở về con đường thế tục và thoái lui phạm hạnh chính bản thân của chú do chú không biết kiểm soát tư tưởng. Tất cả điều do tâm chú tạo ra, có lúc chú đang sống với chơn tâm, cũng có lúc chú đang sống với vọng tâm. Khi ham tu là lúc chú đang sống với chơn tâm, nhưng khi chú muốn rời khỏi Tăng đoàn về căn nhà thế tục là lúc chú đang sống với vọng tâm. Sống với vọng tâm, chú hoàn toàn đánh mất kiểm soát tư tưởng.
Phật dạy chú cần phải kiểm soát tư tưởng. Nếu một người mà để tư tưởng của mình rong rủi lâu dài và suy nghĩ miên man mà không cố gắng kiểm soát Tâm người ấy khó thành tựu được giải thoát. Vì vậy cần phải nổ lực kiểm soát tư tưởng của mình trong từng giây từng phút và đối với những ai kiểm soát như vậy sẽ được an lành. Ta hãy kiểm soát Tâm giống như voi không bị dục chi phối, như voi không bị sa lầy. Khi bị sa lầy vào bùn dục vọng của ham muốn, con người sẽ không có một cái tâm sáng suốt hiện hữu, con người không biết đâu là đúng đâu là sai, trong tâm trí khi đó chỉ có nghĩ tới dục vọng, nghĩ tới sự phát dục, cũng như voi bị lòng dục chi phối thì không thể đứng yên voi sẽ chạy đi tìm tiếng gọi của dục. Sự kiểm soát tư tưởng lúc bấy giờ bị đứt phăng ra ngoài vòng kiềm soát. Con voi trong trường hợp này bị người nài lấy móc sắt đâm vào da thịt của con voi, voi vì đau quá nên tắt đi ngọn lửa dục vọng si mê. Khi con người rơi vào trong những ham muốn như vậy rất khó có thể vượt thoát. Nếu chúng ta muốn phát tâm để mà loại bỏ một cái lòng dục như vậy cần phải cắn răng phải chịu đựng và phải thường hành trì tụng kinh, niệm Phật … Giờ phút nào mà ta có thể tiếp tục còn tụng kinh còn tu tập thì giờ phút đó ta sẽ được an lành. Cho nên, Phật nhắc bài kệ này để cho chú hãy cố gắng tiếp tục tu tập:
Canh phòng tâm thành, kỉ càng
Tươi vui, sáng suốt, siêng năng, nhiệt tình
Mình lo tự cứu lấy mình
Khỏi đường tà ác chúng sinh đọa đày
Như voi đang bị sa lầy
Rút chân gắng sức vượt ngay đầm bùn
Pháp Cú 327
Chỉ cần kiểm soát được tâm thức là ta từng bước thoát ra khỏi cái đầm lầy của đau khổ, như người có đôi mắt thanh tịnh không còn cấu uế nhìn thấy rõ các pháp giữa thế gian hiện hữu như thế nào nên không còn rơi vào sai lầm nên đây được gọi là thành tựu pháp nhản. Chú Sa Di đã thành tựu pháp nhãn thanh tịnh như vậy sau khi nghe bài kệ từ nơi Đức Thế Tôn . Về sau chú đã trở thành một trong những vị Thượng tọa tụng kinh và thuyết pháp rất là hay. Vị Thượng tọa đó đã sống cho tới 120 tuổi và giáo hóa không biết là bao nhiêu người ở cỏi Diêm Phù đề tức là cỏi Ta Bà.
Kiểm soát tư tưởng khi nào được thực thi thì con người sẽ không rơi vào trong con đường đọa xứ địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Chúng ta hãy như pháp mà tu tập, đừng nên thoái lui. Chúng ta nên thường xuyên tụng kinh, niệm Phật mọi lúc mọi nơi nhờ như vậy cho nên ta sẽ canh phòng tâm được kỷ càng để từng bước bước vào trong cánh cửa giải thoát tìm niềm vui an lạc hạnh phúc tự tâm.
Thích Nguyên Hạnh (Đức Trường)
Oct 23, 2017 0
Oct 23, 2017 0
Oct 19, 2015 0
Sep 11, 2015 0
Mar 13, 2018 0
Aug 07, 2017 0
Dec 04, 2016 0
Aug 06, 2016 0
Mar 13, 2018 0
I- Tổng quan về khu du lịch Trúc Lâm Viên ở Đà Lạt: Được khởi công xây dựng từ năm 2006, Trúc Lâm Viên đã chuyển mình từ một vùng đồi hoang sơ...Apr 20, 2016 0
Ở VN ta các chùa thường hay thờ Phật, thờ...Mar 25, 2016 0
Thế giới bây giờ đang trải qua thời kỳ đa...Mar 21, 2015 0
Kính thưa cùng với Thầy! Vào thư con xin Thầy...Jan 13, 2015 0
Bạn có thể nhìn thấy lá cờ Phật giáo 5 màu...Jan 13, 2015 0
Kính thưa chư vị đồng học, Hôm qua chúng tôi...